Bối cảnh Indonesia – Tôn lạnh Việt Nam

Một loại tôn lạnh dạng nhôm lá mỏng, mặt hàng trong tranh chấp Việt Nam và Indonesia.

Từ những năm 2010, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam mà đi đầu là Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Tôn Đông Á bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng sắt, thép cán mỏng, thép không hợp kim (gọi tắt là tôn lạnh, tên quốc tế là galvalume)[lower-alpha 1] sang quốc đảo Indonesia, dần chiếm vị trí quan trọng trên thị trường của nước này. Loại sản phẩm này được đặt tiêu chuẩn chung có chiều rộng từ 600 mm trở lên, được phủ, mạ hoặc tráng bằng hợp kim nhôm kẽm (aluminium-zinc), tỷ lệ dưới 0,6% carbon, có độ dày không quá 0,7 mm, thuộc mã HS 7210.61.11.00.[1] Ngày 19 tháng 12 năm 2012, Indosenia lệnh cho các cơ quan điều tra mà đứng đầu là Ủy ban Tự vệ thương mại Indonesia (Komite Pengamanan Perdagangan Indonesia KPPI) khởi xướng điều tra đối với thị trường sản phẩm tôn lạnh. Ngày 31 tháng 12 cuối năm, cơ quan điều tra đã kết luận số lượng tôn lạnh nhập khẩu của Indonesia gia tăng từ 79.279 tấn (năm 2008) lên 251.315 tấn (năm 2012), gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất vật liệu của Indonesia.[2] Ngày 15 tháng 7 năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia ban hành Quyết định số 137.1/PMK.011/2014, công bố trên công báo Berita Negara, theo đó áp dụng các biện pháp tự vệ, áp thuế cho mặt hàng tôn lạnh nhập khẩu, đặc biệt áp dụng cho các bên xuất khẩu chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất ở Indonesia năm 2012 gồm Việt Nam (60,04%), Đài Loan (21%), và Hàn Quốc (15,22%).[3] Biện pháp này được Indonesia gửi thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới vào ngày 28 tháng 7 cùng năm.[4] Tại Việt Nam, trước thiệt hại cho thuế được áp dụng theo dạng tự vệ từ Indonesia, các doanh nghiệp tôn lạnh đã thống nhất với Hiệp hội Thép Việt Nam, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Chính phủ Việt Nam kiện Chính phủ Indonesia ra WTO.[5]

Về thỏa thuận thương mại, biểu cam kết của Indonesia tại WTO không đề cập tới ràng buộc thuế quan đối với tôn lạnh. Đầu năm 2015, thuế suất mà Indonesia áp dụng đối với hàng nhập khẩu tôn lạnh trên cơ sở tối huệ quốc (MFN) là 12,5%, được tăng lên 20% vào tháng 5 năm 2015.[6] Indonesia áp dụng thuế suất khoản ​​0–12,5% đối với tôn lạnh nhập khẩu từ các đối tác thương mại của mình theo bốn hiệp định thương mại khu vực là: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (12,5%), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (10%), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (10%), và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (0%).[7][8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Indonesia – Tôn lạnh Việt Nam //www.worldcat.org/issn/0866-7446 //www.worldcat.org/issn/2354-0958 https://www.thejakartapost.com/news/2014/08/05/saf... https://web.archive.org/web/20171209120930/https:/... https://web.archive.org/web/20210707082129/https:/... https://web.archive.org/web/20220121034645/https:/... https://web.archive.org/web/20220121043153/https:/... https://web.archive.org/web/20220401070400/https:/... https://web.archive.org/web/20220515120309/https:/... https://web.archive.org/web/20220529161942/https:/...